Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:36
RSS

Cha mẹ đua nhau mua xe tập đi cho trẻ, bác sỹ cảnh báo có thể khiến cơ chân không phát triển

Thứ tư, 09/05/2018, 12:50 (GMT+7)

Lý do phổ biến của các phụ huynh mua xe tập đi cho bé là nghĩ nó như một phương tiện hỗ trợ giúp trẻ sớm biết đi hơn. Tuy nhiên các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về điều này.

nguy hiểm khi sử dụng xe tập đi cho trẻ 3
Một loại xe tập đi phổ biến được nhiều cha mẹ sắm cho con em mình. 

Khi trẻ bước vào độ tuổi chập chững, nhiều cha mẹ đã không ngại mua ngay về cho con chiếc xe tập đi. Đây là loại xe có bánh lăn nhanh, khi đặt trẻ vào giữa, bé có thể tự nhón chân và đẩy mình đi. Khi sử dụng chiếc xe này, phụ huynh đều có mong muốn bé sẽ biết đi nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo, Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến y tế, loại xe này có thể khiến trẻ gặp nhiều tai nạn thương tâm vì các bánh xe trơn, đẩy cơ thể đi nhanh, tăng nguy cơ va quệt. Đặc biệt là tiềm ẩn chấn thương đầu cổ, cột sống nếu bị ngã, bởi phần thân trên và đầu nặng hơn nên sẽ bị lao về phía trước.

Nhất là với những trẻ ở thành phố, phải sống trong không gian hẹp, nhà tầng, nếu cha mẹ không lưu ý, trẻ có thể bị ngã cầu thang do xe mất cân bằng hoặc va chạm với những vật dụng ở sàn nhà hoặc sàn không bằng phẳng.

Trên thực tế, tại nhiều quốc gia trên thế giới việc kinh doanh quảng cáo loại xe tập đi này cũng bị cấm hoàn toàn vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ.

nguy hiểm khi sử dụng xe tập đi cho trẻ 2
Ngay cả ở các nước phương Tây xe tập đi cũng không được khuyến khích dùng cho trẻ. Hình minh hoạ

Không chỉ có nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ, chia sẻ với PV Đời sống Plus, BS Trương Anh Mậu - Khoa ngoại - Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn cho biết, xe tập đi không được khuyến khích dùng ở trẻ vì có thể làm cho cơ chân của bé không phát triển hoàn toàn.

"Trong xe tập đi, trẻ có khuynh hướng ngồi trên miếng lót đỡ khung chậu và dùng các đầu ngón chân để đẩy xe đi. Như vậy, trẻ không có cơ hội để hai bàn chân đứng chịu sức, cơ hội cho hai đầu gối co duỗi kiểu bước đi cũng không xảy ra"- BS Trương Anh Mậu nói.

Ngoài ra, do hệ xương của trẻ còn yếu nên việc cho trẻ ngồi xe tập đi sớm có thể ảnh hưởng lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ. Việc chịu áp lực chèn lên cột sống còn có nguy cơ khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống. Ngoài ra các cơ của trẻ đang yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng.

Mặt khác, với xương đang yếu, sụn đầu xương là cơ sở để phát triển xương cũng bị ảnh hưởng khi trẻ ngồi sớm. Các sụn xương bị tì đè sớm, có thể dẫn đến xơ hóa sớm, làm cho xương phát triển chậm lại. Bé không đạt được chiều cao như bình thường. Các sụn có thể bị ảnh hưởng như sụn ở cột sống, sụn ở khớp gối và háng.

BS Mậu cũng cho biết, không ít trường hợp trẻ chậm phát triển, khi sử dụng xe tập đi vẫn không cải thiện được chức năng đi. Vì vậy, BS Mậu khuyên các bậc cha mẹ có con nhỏ không nên ỷ lại vào xe tập đi. Thay vào đó, khi trẻ đã chập chững biết đi, cha mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ có những hoạt động bò, vịn đứng lên...

Những quan điểm trên cũng thống nhất với kết quả một nghiên cứu của Anh rằng những trẻ dùng xe tập đi sẽ chậm biết đứng, biết đi hơn bạn bè đồng lứa không dùng thiết bị này.

Nguyên nhân là trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ - xương không lớn mạnh được như bình thường. Hệ thần kinh cũng bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi hiệu quả.

nguy hiểm khi sử dụng xe tập đi cho trẻ
Lựa chọn thời điểm để bé tập đi cũng vô cùng quan trọng

Nhiều người dựa vào quan niệm của ông bà ta xưa: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” và xem đây như cột mốc để so sánh sự phát triển của con em mình và cố gắng làm mọi cách như sử dụng xe tập đi để bé theo kịp các mốc này. Thực ra những điều này không chính xác.

Theo BS Trương Anh Mậu, thông thường ở trẻ thì tháng thứ 3 bé đã có thể giữ được cổ cứng, tháng thứ 5 - 6 đã có thể lật và trườn nhưng chưa bò được. Khi đến tháng thứ 8, trẻ sẽ  làm chủ hoàn toàn được khả năng ngồi và dễ dàng chuyển sang các tư thế khác.

BS Mậu cho biết, không nên nặng nề theo quan niệm 9 tháng lò dò biết đi, cha mẹ tuyệt đối không cho bé tập đi sớm bởi vì cột sống của bé chưa "sẵn sàng" và có thể gây tổn thương cho cơ quan này và dẫn đến dị tật ở nhiều xương khác.

Theo quá trình phát triển sinh lý bình thường, phải đến 10 tháng tuổi, bé mới có thể dần biết đứng lên và lẫm chẫm biết đi. Tuy nhiên, do bé phát triển không giống nhau nên nhìn chung bé trong khoảng 10 - 18 tháng tuổi bắt đầu tập đi là bình thường.

Để trẻ tập đi lý tưởng nhất vẫn là để bé tự học cách đi đứng theo nhịp phát triển tự nhiên của mình. Cha mẹ có thể giúp đỡ bé bằng cách dắt tay con hoặc sử dụng đai tập đi để thay thế xe tập đi. 

Ngoài ra theo BS Mậu, cha mẹ hãy chọn thời điểm thích hợp để dạy bé tập đi. Nếu bé chưa muốn tập đi thì không nên cưỡng ép. Hãy để bé vận động theo đúng khả năng của mình.

Đặc biệt BS cũng nhấn mạnh, khi bé mới bắt đầu tập đi, người lớn phải đỡ, dìu bé. Tuyệt đối không nên lôi kéo mạnh vào tay và người bé vì chúng sẽ dễ bị trật khớp, nhất là các khớp vai và cổ tay. Cần phải lót sàn nhà bằng các tấm lót xốp mềm mại để tránh gây hại khi ngã. 


Xem thêm Clip: MẸ CHO CON BÚ VÀO 3 THỜI ĐIỂM NÀY CHẲNG KHÁC NÀO ĐẦU ĐỘC CON - CÁC MẸ CHÚ Ý NHÉ

Lan Khuê
Theo Đời sống Plus/GĐVN