Thứ ba, 19/03/2024 | 10:29
RSS

Cán bộ công an đi ô tô biển giả gây chết người đối diện hình phạt gì?

Thứ bảy, 24/02/2018, 07:30 (GMT+7)

Luật sư phân tích, hành vi đi ô tô biển số giả và gây tai nạn chết người của Thượng úy Phạm Cao Hoàng có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Theo quy định pháp luật, hình phạt cho hai hành vi này sẽ là rất nặng.

Cán bộ công an đi ô tô biển giả gây chết người

Xe ô tô đeo biển giả gây tai nạn chết người

Liên quan đến vụ một cán bộ công an lái xe để xảy ra tai nạn chết người, tháo biển số giả, trao đổi với PV, Thượng tá Phạm Tài, Phó trưởng Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), cho biết đã tiến hành thực nghiệm xong hiện trường vụ tai nạn.

Theo thượng tá Phạm Tài, Thượng úy Phạm Cao Hoàng đã thừa nhận là người điều khiển xe ô tô gây vụ tai nạn. Thượng úy Phạm Cao Hoàng là cán bộ Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc công an tỉnh Hà Tĩnh.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi sử dụng biển giả của thượng úy Phạm Cao Hoàng có dấu hiệu vi phạm Điểm d Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Căn cứ vào quy định trên thì hành vi dùng biển số ô tô giả của vị thượng úy công an này có thể bị xử phạt với mức từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Về hành vi gây tai nạn chết người của thượng úy Phạm Cao Hoàng, luật sư Hòe khẳng định, người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017.

Theo quy định pháp luật người gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, luật sư Hòe cũng cho biết, theo thông tin ban đầu vị thượng úy này sau khi xảy ra tai nạn đã lên xe bỏ đi để mặc người bị nạn không cứu giúp cũng có dấu hiệu tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS.

Người được xác định vi phạm tình tiết này có thể phải đối diện hình phạt lên đến 10 năm tù. Bên cạnh đó, người này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.

Cán bộ công an đi ô tô biển giả gây chết người

Luật sư Trương Quốc Hòe

Mặt khác, bên cạnh trách nhiệm hình sự, người được xác định gây tai nạn cũng phải chịu trách bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người bị hại. 

Trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ áp dụng các mức bồi thường theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật dân sự 2015 về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cũng như các thiệt hại. 

Chi phí thực tế khác phát sinh do hành vi của người được xác định phạm tội có thể là: chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, vào khoảng 12 giờ ngày 16.2 (mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018), thượng úy Phạm Cao Hoàng điều khiển ô tô hiệu Toyota Vios mang BKS 38A - 003.85 lưu thông trên Quốc lộ 15A.

Khi qua xã Phú Lộc, xe ô tô đã va chạm với ông Nguyễn Sỹ Ngụ (74 tuổi, ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đang đi xe đạp. Hậu quả ông Ngụ ngã xuống đường bị tụ máu não được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong sau đó.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tài xế Hoàng đã xuống xe, tháo biển số giả lắp biển số thật của xe là BKS 38N-5128 vào và đổ lỗi cho người khác gây ra vụ tai nạn.

 

Điểm d Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định:

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng);

c) Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông);

d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp

Điều 260 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017 quy đinh:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

 

Đình Việt
Theo Dân Việt