Thứ ba, 23/04/2024 | 17:24
RSS

Căn bệnh ung thư có thể khiến trẻ gãy xương sau một cú bước hụt

Thứ năm, 16/11/2017, 14:00 (GMT+7)

Ung thư xương giai đoạn muộn dễ khiến trẻ bị gãy xương chỉ vì một tác động rất nhỏ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể di căn đến các xương khác, di căn phổi, não và tử vong.


Ung thư xương nếu không điều trị kịp thời sẽ xâm lấn ra phần mềm, gây bầm tụ máu. 

Dễ nhầm lẫn với “đau xương lớn” tuổi dậy thì

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi, Bệnh viện K3 Tân Triều), ung thư xương là bệnh hiếm gặp, có diễn biến âm thầm nhưng tốc độ di căn rất nhanh. Cho đến nay, thủ phạm gây ra bệnh ung thư xương vẫn chưa rõ ràng.

Bệnh ung thư xương thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì, thanh thiếu niên (10 – 20 tuổi), tỉ lệ nam nhiều hơn nữ. Điều rắc rối là bệnh ung thư xương giai đoạn sớm cũng có những triệu chứng đau xương nên dễ nhầm lẫn với “đau xương lớn” ở tuổi dậy thì. 

“Cha mẹ đừng vội mừng khi con tăng chiều cao bất thường. Bởi yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là xương dài quá nhanh, gây rối loạn hình thái tế bào xương”, TS. Hương cảnh báo. 

Nếu như đau xương tuổi dậy thì gây cảm giác nhức mỏi dọc xương vào ban đêm và không ảnh hưởng đến sinh hoạt ban ngày của trẻ thì bệnh ung thư xương lại có những triệu chứng khác là trẻ đau mơ hồ ở một điểm nào đó ở xương dài như xương đùi, cảng chân, cẳng tay, cánh tay. Cơn đau tăng lên khi vận động. Ở giai đoạn muộn có thể sờ thấy khối u ở xương hoặc sưng nề ở phần mềm tương đươi với điểm có khối u ở xương. Nếu không điều trị kịp thời, khối u sẽ xâm lấn ra phần mềm, bầm tụ máu. 

TS. Việt Hương cho biết, ung thư xương khiến xương trẻ bị phá hủy từ bên trong. Trẻ dễ bị gãy xương ngay cả khi có tác động nhẹ như bước hụt xuống bậc thềm, đá nhẹ chân. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể di căn đến các xương khác, di căn phổi, não và tử vong. 

ung thư xương
Ung thư xương khiến xương của trẻ bị phá hủy từ bên trong.

Điều trị ung thư xương sớm để tránh cú sốc đoạn chi 

Ở giai đoạn sớm, phác đồ điều trị ung thư xương bao gồm truyền hóa chất để thu nhỏ khối u. Sau ba đợt hóa chất, trẻ sẽ được chuyển sang khoa ngoại phẫu thuật, bơm xi măng vào chỗ khối u bị đục bỏ. 

Nhưng nếu bệnh nhân đến muộn, xương đã rỗ nặng, thậm chí bị gãy thì bác sĩ buộc phải cắt bỏ chi và sau đó truyền hóa chất để điều trị di căn như trường hợp bệnh nhi Nguyễn Thị Như Quỳnh (17 tuổi, quê ở Nghệ An) từng điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện K3. 

Quỳnh phát hiện bệnh khoảng tháng 11/2016. Khi đó, em cảm thấy đau chân đến nỗi không thể tham gia nhảy trong buổi biểu diễn văn nghệ của trường. 

Những ngày sau đó, một cục u xuất hiện dưới da chân Quỳnh, cơn đau ngày một nhiều hơn. Quỳnh được chuyển ra Hà Nội khám, các bác sĩ kết luận em bị ung thư xương. Sau 3 đợt điều trị hóa chất, khối u trên chân Quỳnh ngày một to. Bác sĩ chỉ định cắt bỏ toàn bộ phần chân phải của em. 

Khi đó, Quỳnh đã xin bố mẹ đưa về quê, đừng cắt chân vì rất sợ phải mất đi một phần cơ thể của mình. Ở quê một thời gian, khối u phát triển nhanh bất thường, gia đình thuyết phục rất nhiều cháu mới chịu quay trở lại bệnh viện. Đến khi đưa cháu ra viện K3 để làm phẫu thuật, khối u đã to bằng quả mít và buộc phải cắt cụt toàn bộ một bên chân. 

TS. Việt Hương cho biết, theo y văn, bệnh ung thư xương hiếm gặp và tiên lượng sống của bệnh nhân là rất khó khăn. Nếu được điều trị bài bản, bệnh nhân sống được khoảng 5 năm là 65 – 68%. 

“Nếu trẻ có biểu hiện đau xương ở một điểm nào đó ở xương dài, cha mẹ cần cho con đi khám sớm. Bởi việc điều trị ngay ở giai đoạn sớm giúp trẻ có hy vọng bảo tồn xương, tránh được cú sốc phẫu thuật cắt bỏ một bộ phận trên cơ thể”, TS. Việt Hương khuyến cáo. 

Minh Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN