Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:20
RSS

Căn bệnh khiến bé gái 4 tuổi tử vong sau khi vào toilet trường mầm non nguy hiểm thế nào?

Thứ tư, 04/07/2018, 13:40 (GMT+7)

Cái chết của bé Bùi Lương Ngọc H. (4 tuổi) sau khi vào toilet trường mầm non 5 phút khiến dư luận xôn xao. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau lòng này là do bệnh viêm màng não trên cơ thể viêm cơ tim, viêm phổi.


Hình ảnh cuối cùng của bé H. tại trường mầm non khiến nhiều người ám ảnh. Ảnh cắt từ clip

Sự việc bé Bùi Lương Ngọc H. (4 tuổi, TP Nha Trang) có dấu hiệu bất thường khi từ nhà vệ sinh của điểm giữ trẻ bước ra, sau đó tử vong tại bệnh viện gây xôn xao dư luận những ngày qua. Đến sáng 3/7, cơ quan CSĐT Công an TP. Nha Trang, tỉnh Nha Trang cho biết đã nhận được kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh.

Theo đó, nguyên nhân tử vong của bé Ngọc H. là do viêm não – viêm màng não trên cơ thể viêm cơ tim, viêm phổi. Ngày 2/7, Cơ quan CSĐT cũng đã thông báo kết luận giám định trên đến gia đình bé.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở mọi nơi, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở trẻ em (nhất là trẻ dưới 5 tuổi) trong mùa nắng nóng và mùa chuyển lạnh.


Viêm màng não là bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng khó lường.

Viêm màng não là gì?

Viêm màng não là tình trạng viêm của màng bao bọc não bộ, các vi trùng thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, có thể gây thành dịch trong điều kiện sống đông đúc như ký túc xá hoặc nhà trọ. Haemophilus influenzae type B (Hib) cũng có thể gây viêm màng não ở người lớn và trẻ nhỏ.

Trẻ mắc bệnh viêm màng não thường là hậu quả của nhiễm trùng do vi trùng đã tồn tại ở vùng mũi và miệng, hoặc do bị bệnh viêm mũi họng lâu ngày nhưng không điều trị đúng cách hoặc không tới nơi tới chốn. Viêm màng não cũng có thể là kết quả của các nhiễm trùng xảy ra gần não như tai hoặc xoang và đó cũng có thể là biến chứng cơ hội của phẫu thuật não, đầu hay cổ. Những vi trùng này đi vào máu và đến cư trú ở lớp màng bao bên ngoài não (màng não).

Viêm màng não lây qua đường hô hấp, siêu vi trùng hay vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp. Một số người lành khi hít phải chất tiết này khi người bệnh ho hay hắt hơi sẽ có thể bị bệnh. Siêu vi trùng hoặc vi trùng khi vào cơ thể sẽ vào máu sau đó xâm nhập vào màng não và gây bệnh. Nếu tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm màng não, một số trường hợp cần uống thuốc dự phòng tùy theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên lây bệnh viêm màng não trực tiếp từ người sang người rất hiếm.


Trẻ bị sốt cao đột ngột, cha mẹ cần cảnh giác với bệnh viêm màng não.

Những triệu chứng của bệnh viêm màng não

Trẻ bị viêm màng não ban đầu thường có các biểu hiện: sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virút… Tuy nhiên, khi thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần cảnh giác với bệnh viêm màng não:

- Co giật: có thể ở tay, chân, mắt, miệng hoặc toàn thân. Một số trẻ co giật đơn thuần do sốt cao hoặc có một số trẻ do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.

- Rối loạn ý thức: lúc đầu trẻ trong tình trạng dễ bị kích động, sau đó có thể ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.

- Trẻ thường kêu đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.

- Đối với trẻ sơ sinh: các dấu hiệu ban đầu thường không đặc hiệu và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác ở trẻ sơ sinh, có thể không sốt hoặc có sốt và có kèm theo một trong các triệu chứng trên. Các biểu hiện thần kinh hay gặp: ngủ li bì, thóp phồng, co giật.

Viêm màng não có nguy hiểm không?

Viêm màng não do phế cầu có thể gây ra các biến chứng: tổn thương các dây thần kinh sọ não như dây II, III, IV, VI, VII, VIII...; Áp-xe não, áp-xe dưới màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não...; Gây tắc nghẽn dịch não tủy, chứng não nước, viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận. Di chứng sau khi viêm màng não mủ do phế cầu, nhất là trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc, câm, liệt các chi hoặc nửa người, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu điều trị muộn.

 

 

Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị viêm màng não hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì dư hậu của bệnh viêm màng não tùy thuộc vào bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị viêm màng não?

Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể sẽ để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý:

- Ngay khi trẻ có biểu hiện bị sốt, cần phải cặp nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Nếu trẻ sốt cao trên 38,50C cần lau mát và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng và cân nặng. Theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ.

- Nếu thấy trẻ sốt cao không rõ nguyên nhân đến ngày thứ ba không giảm thì nên đưa đến bệnh viện kiểm tra ngay. Trẻ trong cơn sốt mà đau đầu, nôn thì chưa nghi ngờ, nhưng hết sốt rồi mà vẫn còn các biểu hiện này thì đó có thể là dấu hiệu sớm của bệnh hoặc trẻ sốt kèm nôn, đau đầu, co giật, mệt lả, ngủ li bì, ăn uống kém... cũng cần đến bệnh viện khám ngay.

- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được thầy thuốc chỉ định hoặc chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh do điều trị muộn.


Tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch là một trong những biện pháp hữu hiệu làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não ở trẻ.

Phòng bệnh viêm màng não như nào cho đúng?

Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và nơi ở của trẻ: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Phòng tránh bệnh đường hô hấp cho trẻ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh viêm màng não qua đường hô hấp khi sức khỏe suy giảm. Các biến chứng về hô hấp cũng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh viêm màng não.

- Cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm do virút cúm, thuỷ đậu, sởi, quai bị... có thể gây viêm màng não. Hiện đã có loại vắcxin phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB, Viêm não Nhật Bản B và viêm màng não do não mô cầu. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm đầy đủ để phòng bệnh.

Như Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN