Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:16
RSS

Cải cách Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền: Dư luận đã quá quan trọng hóa vấn đề này!

Thứ bảy, 02/12/2017, 08:06 (GMT+7)

PSG.TS Phạm Văn Tình cho biết, dư luận xã hội đã quá quan trọng hóa về đề xuất cải cách Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền.

PGS.TS Bùi Hiền tác giả của đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt
PGS.TS Bùi Hiền tác giả của đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt gây xôn xao trong thời gian gần đây

Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) về cải tiến chữ viết tiếng Việt đưa ra tại Hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” (do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức từ tháng 7/2017) và được in trong bài viết Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế đăng (Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1) do NXB Dân trí phát hành tháng 6/2017.

Theo đó "Tiếng Việt" sẽ đổi thành "Tiếq Việt", bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Lý giải cho đề xuất này PGS Bùi Hiền cho biết, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, để tiết kiệm thời gian, vật tư…

PGS.TS Bùi Hiền và đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt
Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt  được in trong cuốn Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành tháng 6/2017.Ảnh: Đình Tuệ

Trao đổi với PV Đời sống Plus, PSG.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền. 

Theo ông, PSG.TS Phạm Văn Tình đề xuất này lạ nhưng không hề mới và rất khó thực thi. Trước đây cũng từng có những ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ, nhưng khi đưa ra cũng vấp phải sự phản đối của nhiều người. Bởi sự thay đổi, cải tiến trong chữ viết sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm đảo lộn nhiều thứ trong xã hội nói chung.

''Ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngôn ngữ học. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay''- PSG.TS Phạm Văn Tình nói.

Tuy nhiên PGS.TS Phạm Văn Tình cũng không đồng tình với những chỉ trích quá gay gắt dành cho đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền. Ông cho rằng dư luận xã hội đã quá quan trọng hóa vấn đề này. Cá nhân ông luôn tôn trọng những luận cứ riêng của PGS.TS Bùi Hiền cũng như tinh thần, tâm huyết, sự cống hiến, nghiêm túc của ông Bùi Hiền với các công trình nghiên cứu của mình.


PSG.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Chia sẻ về vấn đề này, TS ngôn ngữ học Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM cũng cho biết đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền không có gì mới, thậm chí "xưa như trái đất".

Theo TS Thông, ở bất cứ ngôn ngữ nào, cũng sẽ có chuyện chữ viết, phát âm có những điểm không thống nhất hoặc là "vênh" như tác giả Bùi Hiền nói. Trong tiếng Anh cũng có những điểm tương tự. Từ lâu, tại nhiều quốc gia đã xảy ra các tranh cãi về cải cách ngôn ngữ, chữ viết như vậy.

Tuy nhiên theo TS Huỳnh Văn Thông đề xuất như vậy không để giải quyết vấn đề gì lớn mà lại phải đánh đổi rất nhiều thứ khác quan trọng như thói quen đọc viết, mọi người phải học lại chữ viết mới, làm thế nào với các sách vở viết theo kiểu cũ..

Theo ông Thông, những vấn đề phức tạp về chính tả ấy sẽ không là gì so với trình độ, nhận thức và năng lực học hỏi của con người. Và dù có quan điểm trái chiều, nhưng TS Huỳnh Văn Thông cũng bày tỏ sự tôn trọng với những tâm huyết của PGS Bùi Hiền dành cho công trình nghiên cứu của mình.

Trước đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải cách Tiếng Việt là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học và Bộ trân trọng ý kiến này của ông. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Có lẽ vấn đề cải cách chữ viết sẽ còn nhiều tranh cãi trong thời gian tới, tuy nhiên theo các chuyên gia ngôn ngữ học thì tiếng Việt còn có nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn như hiện tượng sử dụng tiếng lóng các loại, sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi hay ngôn ngữ thời đại công nghệ số.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN