Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:49
RSS

Cách xử trí khi rò rỉ khí độc amoniac thế nào?

Thứ tư, 11/10/2017, 19:02 (GMT+7)

Sau vụ rò rỉ khí amoniac ở TP. HCM, nếu không may bạn gặp tình huống như vậy thì cách xử trí khi rò rỉ khí độc thực hiện thế nào?.

cách xử trí khi rò rỉ khí độc

Hiện trường xảy ra rò rỉ khí độc ở TP. HCM. Ảnh ANTĐ

Cách xử trí khi rò rỉ khí độc amoniac (NH3) được nhiều người quan tâm khi mới đây vào sáng ngày 10/10, trên địa bàn ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh,  TP. HCM xảy ra vụ rò rỉ khí amoniac do vỡ đường ống trong quá trình nạp khí amoniac từ xe chở bồn đến trạm chiết nạp.

Vụ rò rỉ khí độc khiến 4 người nhập viện, gia súc, gia cầm chết la liệt, cây cối héo úa và cả nghìn người phải sơ tán. Vì vậy, việc tránh xa khỏi khí độc này càng sớm càng tốt là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn có mặt tại khu vực rò rỉ khí độc thì cần phải làm gì?.

Cách xử trí khi rò rỉ khí độc ra sao?

Chia sẻ với báo chí về cách xử trí khi rò rỉ khí độc amoniac tại TP. HCM, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, Sở Cảnh sát PCC TP. HCM đã có những tư vấn cụ thể. 

Theo Đại tá Nhật: "Dấu hiệu nhận biết khi rò rỉ khí độc amoniac đó là mùi khí rất nồng nặc. Khí amoniac làm mắt cay xè, mặt bỏng rát và người tiếp xúc gần như không thở được. 

Phát hiện ra khí độc amoniac, người dân cần di chuyển càng xa càng tốt. Nếu như chưa thể di chuyển ra xa, cần tìm cho mình phương tiện bảo vệ như găng tay, khẩu trang... làm sao cách ly không cho khí độc amoniac xâm nhập cơ thể.

Khi bạn chưa thể di chuyển ra ngoài, hãy dùng vật dụng bịt kín việc rò rỉ khí amoniac, hạn chế tối đa việc phát tán khí độc".

Đại tá Nhật cho biết thêm, trong gia đình nếu có sẵn bình chữa cháy thì có thể sử dụng để phun bọt vào nơi xuất hiện rò rỉ khí độc. Nếu không thì có thể thay thế bằng bình nước phun sương để làm giảm mật độ phủ khí độc. Chú ý tuyệt đối không dùng nước dội trực tiếp.

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN