Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:53
RSS

Các 'hiệp sĩ đường phố' trên thế giới được trang bị ra sao?

Thứ tư, 16/05/2018, 15:25 (GMT+7)

Ở nhiều quốc gia trên ghế giới hiện nay, người dân được khuyến khích tham gia nhóm tình nguyện viên, hỗ trợ lực lượng cảnh sát, giống như những 'hiệp sĩ đường phố'.

Singapore

Singapore là ví dụ điển hình khi cảnh sát hợp tác thành công với người dân trong việc giảm trừ tệ nạn đường phố. Nhóm Tình nguyện viên cảnh sát (VSC) được hình thành cách đây hơn 70 năm, nhằm ngăn chặn, phát hiện tội phạm và duy trì an ninh quốc gia.

VSC đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lực lượng cảnh sát Singapore, được trao quyền bình đẳng khi thực thi pháp luật Từ nhiều tầng lớp xã hội, thành viên VSC mặc đồng phục, làm nhiệm vụ tuần tra đường phố, thậm chí có thẻ rượt đuổi tàu cao tốc khi có dấu hiệu vi phạm.

Các hiệp sĩ đường phố trên thế giới được trang bị ra sao?
“VSC phát triển mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào việc duy trì luật pháp và trật tự tại Singapore”, website của Lực lượng Cảnh sát Singapore nêu rõ.

Khi làm nhiệm vụ, thành viên VSC được trang bị dùi cui, còng tay, bộ đàm và có quyền bắt giữ tội phạm. "Người dân rất phấn khởi, chào đón đội tuần tra. Chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích được thêm nhiều tình nguyện viên tham gia", phát ngôn viên của VSC bày tỏ.

Mỗi giờ làm việc, thành viên VSC nhận khoản trợ cấp khoảng 3,5 USD. Bên cạnh đó, nếu đủ điều kiện, họ có thể được khen thưởng và nhận các huân chương chứng nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc ứng xử thân thiện.

Mỹ

Ở bang Alaska, vùng đất lạnh giá và rộng lớn của nước Mỹ với dân cư thưa thớt, mỗi khi có chuyện xấu xảy ra, người ta không thể lúc nào cũng trông mong vào sự ứng cứu kịp thời của cảnh sát và chính quyền địa phương. Thay vì chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn tội phạm, những người dân bình thường như anh Floyd Hall quyết định tự tay thực hiện công lý, New York Times đưa tin. 

Anh Hall, 53 tuổi có giọng nói ấm áp, là một công nhân dọn tuyết với dáng người khỏe khoắn và bộ râu muối tiêu. Những lúc rảnh rỗi, anh mang theo bộ súng ngắn bán tự động dùng cỡ đạn .45 và rong ruổi trên đường tìm bắt những kẻ trộm xe ôtô ở Anchorage, thành phố lớn nhất của bang Alaska.

"Ai cũng có thể làm việc này. Tôi đâu có gì đặc biệt", Hall nói về nhóm những "hiệp sĩ đường phố" như anh hàng ngày dành từ 4 đến 6 tiếng để theo dõi ứng dụng cảnh báo các vụ trộm xe ở Alaska. Sau khi nhận được thông tin biển số của chiếc xe bị trộm, Hall và các thành viên khác sẽ lao ra đường, rượt đuổi và chặn chiếc xe lại rồi mới gọi điện báo cảnh sát tới hiện trường. 

Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng đầu năm nay, Hall đã giúp tìm lại khoảng 75 chiếc xe bị mất cắp cho khổ chủ. Chính quyền thành phố cho biết họ không thống kê chính xác số lượng "hiệp sĩ đường phố" như anh Hall nhưng đoán rằng con số khá lớn. Bức xúc trước tình trạng tội phạm gia tăng và nhờ sự trợ giúp của công nghệ lực lượng "công lý dân phòng" bỗng trở nên lớn mạnh ở Alaska. 

Không phải tất cả mọi người đều cổ vũ hành động "công lý dân phòng" của anh Hall, đặc biệt là lực lượng cảnh sát địa phương. Trong quá trình "thay trời hành đạo", anh Hall từng "ăn đạn" của một tên trộm xe.

Anh thậm chí phải ra tòa vì cáo buộc lái xe gây nguy hiểm cho người đi đường khi cố gắng truy đuổi kẻ cắp. Dẫu vậy, anh vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Họ sẵn sàng biểu tình trước tòa án nhằm gây sức ép với bồi thẩm đoàn. Còn luật sư bào chữa cho Hall hoàn toàn miễn phí.

Các hiệp sĩ đường phố trên thế giới được trang bị ra sao?
Floyd Hall, 53 tuổi, tham gia vào một nhóm những người chuyên theo dõi những vụ trộm xe ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ. Ảnh: New York Times. 

Canada

Tại Vancouver (Canada), tình nguyện viên theo dõi tình hình an ninh và ngăn chặn tội phạm trong các khu dân cư. Bên cạnh đó, họ có thể tham gia các buổi tuần tra đường phố. Xe nghiệp vụ được trang bị radio, điện thoại và có thể lập tức báo cáo những hành vi đáng ngờ cho cảnh sát.

Tình nguyện viên nơi đây đóng vai trò như "tai mắt" của cảnh sát. Hơn nữa, lực lượng này có thể giám sát tốc độ của người tham gia giao thông thông qua thiết bị vô tuyến di động và biển hiệu điện tử.

Tại Mỹ, khoảng 78% tình nguyện viên được ủy quyền bắt giữ tội phạm. Đội ngũ này làm việc gần 10 giờ mỗi tuần. Họ tham gia tuần tra, phản ứng khẩn cấp cùng nhiều hoạt động thực thi pháp luật khác, thậm chí điều tra bí mật.


Xem thêm: Sự thật công an từ chối giúp đỡ nhóm hiệp sĩ Sài Gòn bị nạn

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN