Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:51
RSS

BS sản khoa: Học hơn 10 năm mà không gắn với lâm sàng thực tế chưa chắc đã xử lý tốt một ca sinh nở huống hồ học vài ngày!

Thứ năm, 15/03/2018, 13:51 (GMT+7)

Trao đổi với PV Đời sống Plus, Bác sỹ Trần Vũ Quang cho hay, sinh con thuận tự nhiên chỉ là những luồng kiến thức không đầy đủ của nước ngoài, rất nguy hiểm nếu làm theo.

Sự kiện:


Thông tin mẹ con sản phụ tử vong nghi do "sinh con thuận tự nhiên" tại nhà khiến dư luận xôn xao.

“Sinh con thuận tự nhiên” hiện đang là từ khóa hot trên mạng xã hội mấy ngày nay. Nhất là khi Bộ Y tế vào cuộc xác minh thông tin sản phụ tử vong nghi do “sinh con thuận tự nhiên” tại nhà khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. 

Cách đây hơn 1 tuần, mạng xã hội lan truyền câu chuyện về một người mẹ được cho là ở Hưng Yên đã tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt dây rốn ngay mà để nhau thai gắn với cơ thể em bé cho đến khi dây rốn tự rụng.

Không lâu sau đó, báo chí cũng đưa tin về việc một sản phụ khác ở Lào Cai tự sinh con tại nhà. Do khó sinh, mẹ chồng đã lấy dao rạch tầng sinh môn của con dâu để cháu bé nhanh chào đời nhưng vô tình trúng đầu em bé. Rất may sản phụ này đã được chuyển vào bệnh viện kịp thời để bác sĩ đỡ đẻ.


Bác sỹ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương)

Trao đổi với PV Đời sống Plus, Bác sỹ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, ngay cả trong quá trình mang thai, thai phụ được thăm khám định kỳ và các chỉ số đều bình thường nhưng khi chuyển dạ, rất nhiều tai biến không lường trước được vẫn có thể xảy ra.

“Tôi từng gặp rất nhiều trường hợp lúc khám định kỳ, các chỉ số đều bình thường nhưng khi chuyển dạ và đến bệnh viện, cổ tử cung của họ không hề tiến triển chút nào. Lúc ấy, bác sỹ buộc phải đình chỉ quá trình chuyển dạ bằng phương pháp mổ để tránh tình trạng mất sức và nguy cơ nhiễm khuẩn cho mẹ.

Cũng có không ít trường hợp khi khám thai, ngôi thai rất thuận nhưng lúc chuyển dạ, ngôi thai bị ngược hoặc nằm ngang khiến sản phụ có thể bị vỡ tử cung nếu không có sự can thiệp kịp thời của bác sỹ.

Ngoài ra, cũng có người khi mang thai không tiêm vacxin nên khi sinh nở, con có nguy cơ bị uống ván rốn cao hoặc bị băng huyết khi sinh, thậm chí lộn cả tử cung ra ngoài. Lúc đó, nếu không có sự theo dõi sát sao của bác sỹ sẽ cực kỳ nguy hiểm”- Bác sỹ Trần Vũ Quang nói.


Ngay cả ở nước ngoài, việc sản phụ sinh con ở nhà cũng phải có sự theo dõi sát sao của các nhân viên y tế.

Khi được hỏi về trào lưu sinh con thuận tự nhiên đang gây tranh cãi trong thời gian gần đây, Bác sỹ Trần Vũ Quang khẳng định, đây không phải là một phương pháp sinh nở mà chỉ là một trào lưu nguy hiểm, không đúng chuẩn cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài và bị nhiều người biến tấu, thần thánh quá lên.

“Ngay cả những người làm việc trong ngành y, được đào tạo bài bản từ 6 đến 9 năm, thậm chí hơn 10 năm mà không qua thực tiễn lâm sàng cũng không thể nào xử trí được những trường hợp có thể gặp phải trong một ca sinh nở chứ không nói đến những người chỉ học qua những tiết học lý thuyết kéo dài vài ngày, thậm chí là vài tiếng.

Trong khi đó, bản thân những người đi học ấy lại không hề có những kiến thức hay chuyên môn về y khoa. Đặc biệt, những kiến thức được truyền tải trong các khóa học đó cũng không phải là thông tin chính thống được Bộ Y tế thông qua. Nó chỉ là những luồng kiến thức không đầy đủ của nước ngoài, được áp dụng một cách tự phát, không kiểm soát và rất nguy hiểm”- Bác sỹ Trần Vũ Quang nhấn mạnh.


Theo BS Trần Vũ Quang, ngay cả những người được đào tạo bài bản trong ngành y hơn 10 năm mà không gắn với lâm sàng thực tế cũng chưa chắc đã xử lý tốt một ca sinh nở, huống hồ chỉ học trong vài ngày!

Bác sỹ Trần Vũ Quang cũng cho biết thêm, một số người từng ra nước ngoài nói rằng khi nào sinh con, họ muốn áp dụng phương pháp sinh con tại nhà hoặc đẻ dưới nước. Về vấn đề này, Bác sỹ Trần Vũ Quang cho rằng:

“Ở nước ngoài, không phải ai muốn sinh con tại nhà hay sinh con dưới nước đều cũng đều được. Họ phải có sự cho phép rồi mới được làm vậy. Trước đó, thai phụ phải được theo dõi thai nghén rất cẩn thận để đảm bảo các chỉ số đều tốt. Thậm chí, họ còn được tham gia các lớp học để chuẩn bị cho quá trình “vượt cạn” trong một thời gian dài.

Địa điểm để sinh con cũng bắt buộc phải gần các cơ sở y tế. Khi chuyển dạ, có ít nhất một nhân viên y tế là bác sỹ hoặc nữ hộ sinh có chuyên môn cao để giám sát ca sinh đẻ. Nếu như có vấn đề ngoài ý muốn xảy ra, ngay lập tức sản phụ được chuyển đến bệnh viện bằng các phương tiện hiện đại nhất.

Còn ở Việt Nam, y tế của ta chưa đủ sức để cung cấp dịch vụ đẻ tại nhà. Nên không thể nghe theo một vài chỉ dẫn của những người không có chuyên môn mà làm theo trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”. Bởi như vậy đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rất nhiều tai biến sản khoa”.


Xem thêm Chồng người phụ nữ dạy "sinh con thuận tự nhiên" hé lộ điều bất ngờ

Thanh Hà
Theo Đời sống Plus/GĐVN