Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:31
RSS

Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định không vi phạm khi góp vốn Oceanbank?

Thứ hai, 19/03/2018, 17:00 (GMT+7)

Khi chủ tọa hỏi việc góp vốn vào Oceanbank của bị cáo có vi phạm hay không, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định đúng chủ trương, không vi phạm pháp luật.

Đinh La Thăng hầu tòa lần 2, khẳng định không vi phạm khi góp vốn Oceanbank
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định không vi phạm khi góp vốn Oceanbank?. Ảnh Tri thức trực tuyến.

Bước lên bục xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng nói quá trình làm Chủ tịch HĐQT sau này là HĐTV PVN, ông ký một số thỏa thuận với các tổ chức, trong đó có Oceanbank. Theo ký kết PVN và Oceanbank hoàn thành thủ tục góp vốn tối đa 20% theo đúng quy định pháp luật Việc ký thỏa thuận được ông thực hiện căn cứ tờ trình Tổng giám đốc và ban trù bị.

Trình bày lý do hợp tác với Oceanbank, ông Thăng cho hay thời điểm đó Ngân hàng Hồng Việt không được thành lập nữa nên PVN ký góp vốn vào Oceanbank để giải quyết hệ lụy. Trước khi ký thỏa thuận với tư cách HĐQT, ông nói PVN đã khảo sát kỹ rất nhiều ngân hàng trong đó có Oceanbank, theo Tri thức trực tuyến. 

Lý giải cho việc không xin ý kiến HĐTV ký thỏa thuận với Oceanbank, cựu Chủ tịch PVN nói bản thỏa thuận này chỉ là biên bản thể hiện làm việc thống nhất với đối tác, khi ký nghị quyết mới cần xin ý kiến HĐQT.

Bị cáo sinh năm 1960 nói tình hình Oceanbank được Nguyễn Ngọc Sự (Phó tổng giám đốc PVN) báo cáo rất rõ tại cuộc họp, trong đó thể hiện ngân hàng quy mô vốn rất nhỏ, khả năng thanh khoản thấp nên mới có nhu cầu góp vốn, khi tăng vốn điều lệ thì khả năng thanh khoản tăng lên. "Anh Sự trực tiếp báo cáo HĐQT tại cuộc họp ngày 30/9/2009. Thỏa thuận ký trước vào ngày 18/9 nhưng thỏa thuận này không có giá trị gì về mặt pháp lý. Nếu HĐQT không đồng ý thì thỏa thuận này không có ý nghĩa", ông Thăng nói.

Trả lời câu hỏi của nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu khi góp vốn lần thứ 2 (300 tỷ đồng) có vi phạm không?. Bị cáo Thăng khẳng định đúng chủ trương, không vi phạm pháp luật.

Cựu Chủ tịch HĐQT PVN nói trước khi góp vốn lần 2, PVN đã đánh giá hiệu quả đầu tư lần góp vốn đầu tiên thông qua việc chia cổ tức hàng năm.

Bị cáo Đinh La Thăng đánh giá quyết định đầu tư này hoàn toàn chính xác, vì năm 2009, PVN được chia cổ tức hơn 10% và năm 2010 được chia cổ tức 16%. Việc Oceanbank bị Ngân hàng nhà nước mua lại 0 đồng xảy ra vào năm 2015, khi bị cáo này đã chuyển công tác, báo Thanh niên đưa tin.

Về việc không tuân thủ yêu cầu của pháp luật như trong cáo trạng nêu, cụ thể là việc trước khi góp vốn vào Oceanbank, PVN phải báo cáo và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định PVN đã có báo cáo. “Tất cả các nghị quyết của HĐQT PVN, bị cáo ký đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành”.

Giải thích việc Nghị quyết 7289 của HĐQT PVN được ký trước khi báo cáo Thủ tướng (ký tháng 5/2010, báo cáo Thủ tướng tháng 10.2010), bị cáo Đinh La Thăng cho biết không có một văn bản pháp luật nào quy định nghị quyết phải ký trước hay sau khi báo cáo Thủ tướng, mà chỉ yêu cầu trước khi đầu tư phải báo cáo.

Thực tế Nghị quyết 7289 chỉ thống nhất về chủ trương về góp vốn, còn sau khi Thủ tướng có ý kiến chấp thuận vào tháng 10/2010, PVN mới thực hiện việc chuyển tiền.

Về việc công văn ngày 14/10/2010 của Bộ Tài chính có yêu cầu PVN báo cáo về tình hình hoạt động của Oceanbank trước khi thực hiện đầu tư, nhưng PVN không hề có báo cáo, bị cáo Đinh La Thăng cho biết đây là công văn Bộ Tài chính trả lời Thủ tướng, chứ không trả lời PVN (PVN có văn bản hỏi, nhưng Bộ Tài chính không phúc đáp - theo bị cáo Đinh La Thăng), và công văn này cũng chỉ có tính chất khuyến cáo chứ không yêu cầu báo cáo, nên PVN không có văn bản báo cáo.

Còn về nội dung công văn, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định PVN đã thực hiện từ ngày 12/10/2010, tức là trước khi Bộ Tài chính có công văn, PVN đã tổ chức rà soát, đánh giá lại hoạt động của Oceanbank trước khi đầu tư.  Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng 3 lần khẳng định việc trước khi Bộ Tài chính yêu cầu, thì HĐQT PVN đã làm việc này.

Biện hộ cho lý do đầu tư vào Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng cho biết xuất phát từ việc hưởng ứng chủ trương chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, PVN đã “gương mẫu xin dừng thành lập ngân hàng” và để giải quyết hậu quả của việc chuẩn bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt, đã tìm kiếm cơ hội hợp tác với các ngân hàng khác, trong đó có Oceanbank.

Theo cáo trạng, ông Thăng và 5 người khác gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) bị truy tố về 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Cáo trạng quy kết, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò lớn nhất trong việc làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN. Thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVN, ông Thăng đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Oceanbank) không thông qua HĐQT.

Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quyết định góp vốn vào Oceanbank dù biết năng lực yếu kém của ngân hàng này và ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn…


Xem thêm: Hôm nay ông Đinh La Thăng hầu tòa lần hai

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN