Thứ sáu, 19/04/2024 | 10:36
RSS

Bé gái 7 tuổi bị bỏng toàn bộ vùng mặt do xem mẹ nướng mực

Thứ sáu, 14/07/2017, 14:37 (GMT+7)

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn hiện đang tiếp nhận và điều trị một bé gái bị bỏng toàn bộ vùng mặt do mẹ bất cẩn khi dùng cồn nướng mực.

Theo người nhà bệnh nhi, tai nạn bỏng xảy ra khi bé tò mò xem mẹ nướng mực. Chẳng ngờ, ngọn lửa bùng lên khiến cả mặt bé bỏng rát. Tay và chân bé cũng bị bỏng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Tai nạn bỏng thường bất ngờ

BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, tai nạn bỏng xảy ra là không ai ngờ tới, tuy nhiên nếu có hiểu biết thì sẽ tránh được phần nào.

Có vô vàn dạng tai nạn bỏng (từ bỏng điện, bỏng xăng, bỏng cồn, bỏng nước sôi đến bỏng lửa...) xảy ra ở muôn vàn trường hợp (ngã vào bếp lửa, ngã vào hố vôi đang tôi; bỏng khi đang làm thí nghiệm; vồ vào nước sôi...).

Nhiều trường hợp bị nhẹ, chỉ cần sơ cứu tại chỗ, điều trị ngoại trú vài hôm là “êm”. Nhưng có những trường hợp tai nạn bỏng để lại di chứng nặng nề đến nhiều năm sau, thậm chí đến cả cuộc đời nạn nhân.

Tai nạn bỏng sẽ hạn chế xảy ra nếu người trông trẻ có kiến thức

Tai nạn bỏng sẽ hạn chế xảy ra nếu người trông trẻ có kiến thức phòng tránh tai nạn. Ảnh minh họa.

Em bé bị bỏng vùng mặt nói trên may mắn là tổn thương chưa vào tới lớp tế bào có thể gây ra sẹo, nên khả năng sau điều trị mặt bé sẽ không sao chỉ có điều sắc tố da sẽ bị ảnh hưởng. Để có thể đạt kết quả điều trị tốt, ngoài vấn đề dùng thuốc theo chỉ định, gia đình bệnh nhân cần phối hợp trong việc chăm sóc bé, bao gồm cả vấn đề dinh dưỡng, giữ gìn, vệ sinh vết thương...

BS Thống cho rằng, người lớn phải hiểu tâm sinh lý trẻ con. Người lớn nhìn nước sôi hay lửa là biết nguy hiểm, nhưng trẻ con thì không biết.

Từng tiếp nhận, cứu chữa nhiều ca bỏng ở trẻ em, BS Thống chia sẻ: “Có những người mẹ hoặc người trông trẻ tư duy rất nông cạn, tai nạn xảy ra rồi mà vẫn cứ phân bua: “Em (tôi) mới để nước sôi ở đấy, chạy ra ngoài có một phút!”. Cứ để nước sôi ở vị trí mà trẻ con có thể nhìn thấy và với tới là nguy rồi. Thì đấy, vừa chạy ra và trẻ bò đến thế là tai nạn xảy ra!”.

Nâng cao hiểu biết để phòng tránh tai nạn 

Theo BS Thống, muốn tránh bị bỏng thì đầu tiên mọi người phải nâng cao hiểu biết của mình, có kiến thức phòng tránh tai nạn nói chung. Kiến thức này sẽ được học qua nhà trường, qua báo chí truyền thông và các cơ quan y tế. Các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người giúp việc (nếu có) cũng phải được đào tạo những kiến thức sơ đẳng về phòng tránh tai nạn.

Tại các gia đình, nhà cửa cần đảm bảo an toàn. Cụ thể, nhà cửa không được bừa bộn; phích nước, ổ điện phải ở ngoài tầm với của trẻ.

Tai nan bong

BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: HH

Lý giải về sự hiểu biết có liên quan rất lớn đến việc có để xảy ra tai nạn hay không, BS Thống nói: “Ví như làm hố vôi, cần phải biết hố vôi hay lở ở hàm ếch. Người hiểu sẽ không đứng gần để đổ vôi tiếp. Người không hiểu cứ đứng gần, thế là ngã sượt xuống, bỏng. Ngoài ra, người hiểu biết sẽ rào xung quanh hố vôi để những người khác biết mà tránh, bởi nhỡ buổi tối có người đi xe đạp qua ngã nhào xuống thì sao?”.

Hay với điện, phải làm ổ điện ở trên cao, ngoài tầm với của trẻ con. Trẻ con thấy người lớn cầm phích cắm vào, nó cũng cắm, rất nguy hiểm. Rồi cả tình huống trẻ bắt tổ chim ở ổ điện, phải lường trước và giáo dục các cháu.

Tại nhà trường hay những nơi vui chơi của trẻ con, cần đảm bảo an toàn. Tai nạn cháy nổ cồn có thể xảy ra ở phòng thí nghiệm. Vì vậy, thầy cô cần giáo dục, hướng dẫn trẻ và lường trước tình huống có thể tai nạn xảy ra.

“Nói chung, nghèo, không được học hành, trình độ dân trí thấp sẽ khiến xảy ra nhiều tai nạn. Nâng cao hiểu biết, lường trước các tai nạn có thể xảy ra sẽ khiến hạn chế được tai nạn nói chung, tai nạn bỏng nói riêng” - BS Thống nhận định.  

Hoài Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN