Thứ tư, 24/04/2024 | 18:33
RSS

Bác sỹ Phụ sản Trung ương chỉ cách phòng bệnh não úng thủy cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ

Thứ sáu, 27/10/2017, 06:55 (GMT+7)

Theo Ths. BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, não úng thủy là bệnh nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh.

bệnh não úng thủy nguy hiểm như thế nào
Bé Bùi Trung Đoàn (13 tháng, ở xã Phùng Giáo, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) bị não úng thủy đang nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương

Ngày 25/6 vừa qua, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trường hợp bé Bùi Trung Đoàn (13 tháng, ở xã Phùng Giáo, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng đầu úng thủy nặng, chỉ nằm một chỗ.

Theo kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bị não úng thủy. Hiện nay, não cháu bé đã toàn nước nên tiên lượng rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu não bị vỡ. 

Trao đổi với PV Đời sống Plus, chị Bùi Thị Hoa (19 tuổi, mẹ bé Đoàn) cho biết, thời điểm mang thai bé Đoàn, chị luôn khỏe mạnh. Đi khám định kỳ và tiêm phòng cũng không phát hiện ra dị tật gì cả. Nhưng đến khi bé chào đời, chị Hoa cho biết, ngoài việc con mình có đầu to hơn so với những đứa trẻ khác, 2 bên đầu mềm, thì con chị rất khỏe mạnh, ăn uống bình thường.

Đến khi được 3 tháng tuổi, đầu bé Đoàn bắt đầu phát triển bất thường. Chị Hoa thấy vậy đưa con đi khám tại Bệnh viện huyện Ngọc Lặc thì được bác sĩ trả lời không thể điều trị được và giới thiệu lên tuyến trên. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên mãi đến tháng thứ 10, khi đầu bé Đoàn to như quả bóng, mắt bị ép không nhìn thấy gì và được sự giúp đỡ của những người hảo tâm, chị Hoa mới đưa con nhập viện được.

não úng thủy nguy hiểm thế nào, có chữa được không
Hình ảnh não trẻ bình thường và trẻ bị não úng thủy

Trao đổi với phóng viên Đời sống Plus, Ths. BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bệnh não úng thủy là tình trạng dư thừa dịch não tủy trong não, khiến não bệnh nhân ngày càng to dần, dẫn đến các nhu mô não bị tổn thương. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh não úng thủy sẽ để lại cho nhiều biến chứng khó phục hồi.

Não úng thủy thường gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Theo các nghiên cứu của Viện quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ (Mỹ), cứ 500 bé sơ sinh thì có 1 ca bị não úng thủy.

"Đểm dễ nhận biết khi trẻ bị não úng thủy là vòng đầu phát triển rất nhanh, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, có thể cảm nhận thóp trước của trẻ rộng và phồng căng do các khớp sọ chưa đóng kín. Mắt của trẻ bị não úng thủy hay nhìn xuống. Trẻ thường xuyên quấy khóc và nôn trớ, lúc ngủ đầu hay ngoẹo một bên. Những bé lớn hơn hay kê nhức đầu. Não úng thủy được chẩn đoán qua siêu âm và điều trị bằng phẫu thuật"- Ths. BS Phan Chí Thành nói.

Cũng theo Ths. BS Phan Chí Thành, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị mắc bệnh não úng thủy: do bất thường về di truyền (các khuyết tật di truyền gây hẹp ống dẫn dịch), rối loạn phát triển, xuất huyết trong não thất, các bệnh như viêm màng não, u não, chấn thương đầu...

"Não úng thủy là một căn bệnh rất nguy hiểm. Nó làm tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nên trẻ bị não úng thủy sẽ bị những di chứng trầm trọng nếu không điều trị sớm và đúng cách như: chậm phát triển tâm thần, động kinh... thậm chí là tử vong" - Ths. BS Phan Chí Thành nói.

Để phòng tránh bệnh não úng thủy, Ths. BS Phan Chí Thành khuyên các bà mẹ khi mang thai cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là các vitamin, acid folic thông qua các loại rau quả và ngũ cốc. Với trẻ sơ sinh, phụ huynh cần cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, theo dõi chu vi vòng đầu và các biểu hiện trong sinh hoạt của trẻ để phát hiện bệnh kịp thời.

"Cách đo vòng đầu cho trẻ như sau: vòng thước dây ngang qua chân mày và phần nhô ra cao nhất sau gáy trẻ, sau đó đo vòng ngực của bé. Vòng đầu hơn vòng ngực khoảng 3cm, nếu vượt quá mức độ này, nên đưa trẻ đi khám để bác sỹ kiểm tra"- Ths. BS Phan Chí Thành chia sẻ thêm.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN