Thứ năm, 28/03/2024 | 19:56
RSS

Bác sĩ Sản khoa kể lại giây phút nghẹt thở cứu con của cặp vợ chồng hiếm muộn

Thứ hai, 22/10/2018, 20:01 (GMT+7)

Khi em bé sinh ra thì toàn bộ bánh nhau trôi ra theo, khối máu tụ sau nhau rất lớn, bé sơ sinh ở trạng thái mềm nhũn, đội ngũ hồi sức đã tích cực hồi sức cho bé.

con của cặp vợ chồng hiếm muộn

Đã qua 3 tuần sau ngày vượt cạn sinh em bé nhưng chị Nguyễn Thị Bích. C, ở quận 1 (TP.HCM) vẫn không thể nào quên được những cảm xúc lo lắng và căng thẳng khi đó.

Sáng ngày 3/10, chị có dấu hiệu đau bụng và gia đình đã đưa chị đến Bệnh viện quốc tế City để dự kiến nhập viện chờ sinh con. Tuy nhiên, trên đường đi, chị bị ra huyết âm đạo kèm theo đau bụng nhiều.

Đến khoảng 16h10 chiều cùng ngày, chị được chuyển vào phòng cấp cứu. Sản phụ C có bệnh lý tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ từ tuần 32, và đó cũng có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhau bong non.

Bác sĩ CK 2 Nguyễn Thị Cúc – Khoa Sản Bệnh viện Quốc tế City đã nhanh chóng chẩn đoán tình trạng thai suy cấp, nghi nhau bong non, cần phải mổ cấp cứu ngay để cứu cả mẹ và bé.

Nhớ lại những giây phút căng thẳng khi tiến hành ca phẫu thuật này, BS Cúc cho biết “Khi em bé sinh ra thì toàn bộ bánh nhau trôi ra theo, khối máu tụ sau nhau rất lớn, bé sơ sinh ở trạng thái mềm nhũn, đội ngũ hồi sức đã tích cực hồi sức cho bé. Sau vài phút, bé cất tiếng khóc, cả ekip vỡ òa vui sướng. Trong ca này cả ekip chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật hết sức khẩn trương, cứu kịp thời bé sơ sinh, giữ lại được tử cung cho sản phụ, mặc dù tử cung đã tím.”

Ca mổ thành công tốt đẹp, sản phụ sau mổ được nằm tại khoa săn sóc đặc biệt, đã được truyền 1 đơn vị hồng cầu lắng do mất nhiều máu. Em bé sau sinh được nằm khu chăm sóc tích cực 3 ngày sau đó đã được về với mẹ.

Sau ca mổ dù còn mệt nhưng chị C vỡ òa hạnh phúc khi được đón con gái đầu lòng sau một hành trình chạy chữa tìm con hết sức gian nan.

Hiện tại cả mẹ và bé đều đã hồi phục tốt. Bé gái, cân nặng 2.8 lúc sinh, nay đã tự bú mẹ, hồng hào.

Chị chia sẻ: “Tôi có tiền căn lúc thai kỳ: cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, 2 lần IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không thành công, vì vậy mà mà sắp sanh mới xảy ra biến chứng thai kỳ. Được các bác sĩ cứu và được mẹ tròn con vuông, tôi hạnh phúc vô cùng.”

Nói thêm về trường hợp đặc biệt của sản phụ C, bác sĩ Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: “Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Bích C là 1 ca sinh được gia đình rất kỳ vọng vì đã 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, thai vừa được 37.5 tuần tuổi thì xãy ra biến chứng thai kỳ.”

Trong thời khắc đó, theo BS Cúc, bản thân bác sĩ và cả ekip đều chỉ nỗ lực hết sức vì bệnh nhân bởi mỗi phút khẩn trương là mỗi phút vàng để cứu mẹ và con, chỉ cần chậm trễ một chút, thai nhi có thể nguy kich, không cứu được, sản phụ có thể mất tử cung, thậm chí tử vong.


Xem thêm: Mẹo gọi sữa về cực nhanh cho các mẹ mới sinh

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN