Thứ tư, 24/04/2024 | 21:14
RSS

Bệnh tay chân miệng: Dùng thuốc thế nào để tránh biến chứng?

Thứ ba, 30/10/2018, 07:45 (GMT+7)

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Khi trẻ mắc bệnh này có thể dùng các loại thuốc giúp điều trị, thuyên giảm triệu chứng.

Bác sĩ Nhi chia sẻ cách dùng thuốc để tránh biến chứng bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc đặc hiệu. Cha mẹ cần đặc biệt theo dõi con để nhận ra sớm các dấu hiệu của bệnh (ảnh minh họa)

Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm nay, cả nước ghi nhận 82.100 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 38.272 trường hợp nhập viện và 7 trường hợp tử vong.

Trả lời PV Đời sống Plus, PGS TS BS Hoàng Thị Thanh - Phó trưởng Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do virus xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.

Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Theo bác sĩ Thanh, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da (chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông), các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời. 

Phụ huynh cũng đặc biệt cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo bệnh đã tăng nặng: sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút... cần đưa trẻ đi khám ngay.

Nếu các biến chứng không được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời thì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong có thể chỉ trong vòng 24 giờ.

Bị tay chân miệng dùng thuốc như thế nào?

Hiện nay có nhiều phụ huynh thường nghe theo những lời khuyên trên mạng hoặc từ bạn bè, người thân... để mua thuốc, tự điều trị tại nhà cho trẻ mắc tay chân miệng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Hoàng Thị Thanh, điều này có thể gây những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với trẻ tay chân miệng, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. 

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Khi trẻ mắc bệnh này có thể dùng các loại thuốc giúp thuyên giảm triệu chứng như thuốc hạ sốt, giảm đau có thành phần paracetamol hoặc ibuprofen. Việc dùng thuốc phải đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Bác sĩ Thanh cũng lưu ý không sử dụng aspirin để giảm đau, hạ sốt vì thuốc có thể gây hội chứng Reye ở trẻ (một bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm, gồm 2 nhóm triệu chứng: hội chứng não cấp và thoái hóa mỡ ở não, thận, tim, nhất là gan). Bên cạnh đó, aspirin còn có nguy cơ dây dị ứng, tăng huyết áp, hại dạ dày và thận...

Đối với các vết loét ngoài da, cần bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm như: su bạc, thuốc đỏ, xanh methylen, betadin... Ngoài ra, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ bằng nước muối 0,9% hoặc sử dụng các dạng thuốc bôi miệng, xịt họng làm giảm đau. 

Bác sĩ Nhi chia sẻ cách dùng thuốc để tránh biến chứng bệnh tay chân miệng
PGS TS BS Hoàng Thị Thanh thăm khám cho bệnh nhi

Cách phòng bệnh tay chân miệng

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN