Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:59
RSS

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần nói về bệnh rối loạn phân ly mà 13 người ở Sơn La mắc phải

Thứ hai, 31/07/2017, 14:36 (GMT+7)

Việc 13 người ở bản Ó, xã Chiềng Ngần (TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) bỗng nói năng lảm nhảm, không ăn gì mà chỉ uống nước thay cơm khiến dư luận tò mò.

Theo Sở Y tế tỉnh Sơn La, 13 người “có biểu hiện lạ” nói trên mắc chứng rối loạn phân ly, trong đó người bệnh có thể cảm ứng lẫn nhau dẫn đến có biểu hiện bệnh tập thể tương tự nhau. Tại Sơn La, ban đầu bệnh xuất hiện ở một nữ bệnh nhân 41 tuổi và lây lan sang những người tiếp xúc với người phụ nữ này. Các bác sĩ gọi đó là “chứng giả vờ mà không biết là giả vờ”.

Về căn bệnh rối loạn phân ly, BS Trịnh Bích Huyền - chuyên gia sức khỏe tâm thần, cho biết: Rối loạn phân ly là trạng thái xa rời với thực tại không mong muốn và là một tình trạng bệnh lý; những biểu hiện của bệnh thay đổi từ quên mọi việc đến mức độ rối loạn sự xác định bản thân mình, thường được hình thành như một phản ứng với những căng thẳng tâm lý.

Rối loạn phân ly

Bệnh lạ mà nhiều người mắc phải ở Sơn La khiến dư luận xôn xao. Ảnh: Vietnamnet

Rối loạn phân ly có 4 biểu hiện chính như:

Quên phân ly: Bệnh nhân có biểu hiện mất trí một cách nghiêm trọng chứ không phải chỉ là sự quên thông thường và không thể giải thích được tình trạng quên này là do một bệnh lý cơ thể nào. Tình trạng quên này xuất hiện một cách đột ngột, ngay sau khi stress xảy ra, bệnh nhân không thể nhớ lại sự kiện gây sang chấn cho mình, không nhớ những việc xảy ra trong cuộc sống và những người trong gia đình, thậm chí không nhớ về tuổi thơ của mình.

Rối loạn về sự xác định bản thân: Người bệnh cảm thấy như có một người khác nói hoặc hiện diện trong đầu mình - người này có tên khác với tên của mình, có hoàn cảnh xuất thân và cả những đặc điểm cơ thể khác hoàn toàn so với bản thân người bệnh; giọng nói, giới tính và tuổi cũng khác.

Chẳng hạn, bệnh nhân từ nhỏ đến lớn không hề sống ở miền Nam, chưa nghe giọng nói miền Nam bao giờ nhưng có thể nói giọng nói miền Nam mà chúng ta không nhận ra được. Hai biểu hiện quên phân ly và rối loạn sự xác định bản thân thường đi kèm với nhau.

Roi loan phan ly

Bệnh rối loạn phân ly cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Ảnh minh họa

Bỏ nhà phân ly: Bệnh nhân đột ngột bỏ nhà đi mà không ý thức được mình đang làm gì. Họ có thể không biết mình là ai, thậm chí cho rằng bản thân là một người hoàn toàn khác, có lý lịch mới nếu chuyển tới nơi ở mới. Tình trạng này có thể kéo dài vài giờ, đôi khi kéo dài vài tháng, sau đó lại đột ngột biến mất như cách nó xuất hiện mà không lưu lại bất kỳ ấn tượng nào trong trí nhớ người bệnh.

Giải thể nhân cách: Rối loạn này được xác định là tình trạng cảm giác bản thân không còn như trước mà như một nhân vật trong phim với hình dạng, kích thước cơ thể của người khác; sự vật xung quanh bị biến đổi, thời gian như chậm lại, thế giới dường như không có thực... Những biểu hiện này có thể kéo dài vài tháng đến vài năm.

Theo các chuyên gia y tế, để điều trị rối loạn phân ly cần bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các bác sĩ sẽ điều trị về tâm lý bằng các liệu pháp như nói chuyện giúp người bệnh trở về thực tại, tìm hiểu những vấn đề tâm lý gây ra tình trạng bệnh, giúp người bệnh có cách mới để đối phó với stress,...

Ngoài ra, một số kỹ thuật khác cũng có thể được áp dụng để điều trị chứng rối loạn phân ly như thôi miên, liệu pháp nhận thức, dùng thuốc chống trầm cảm, giải lo âu...

Bệnh trầm cảm - "căn bệnh thời đại" khiến gần 40.000 người Việt tự sát mỗi năm. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN