Thứ năm, 18/04/2024 | 18:15
RSS

Trẻ bị viêm nhiễm, dính bao quy đầu vì... lười uống nước

Thứ năm, 07/09/2017, 19:13 (GMT+7)

Bé trai 5 tuổi đi khám vì bị đau ở bộ phận sinh dục. Khi vạch ra khám, bác sĩ thấy đầu "chim" bị đỏ, có nhiều cặn trắng và dính bao quy đầu. Nguyên nhân được bác sỹ cho biết là vì bé lười uống nước.

Bé trai bị đau chim

BSCK II Phạm Thị Thanh Mai đang khám bệnh. Ảnh minh họa

Ngày 7/9, một bé trai 5 tuổi (ở Hà Nội) được mẹ đưa đến Phòng khám đa khoa quốc tế Thanh Chân (số 6 phố Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vì bị đau ở bộ phận sinh dục. Khi bác sĩ vạch ra khám thì thấy đầu chim bị đỏ, có dính bao quy đầu.

Nhìn thấy tình trạng cháu bé, BSCK II Phạm Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chẩn bệnh luôn: “Em bé chắc lười uống nước. Bé trai nghịch hay ra mồ hôi nhiều, nhưng lại mải chơi nên ít uống nước, điều này có thể gây đọng cặn nước tiểu”.

Đáp lại lời bác sĩ, em bé hồn nhiên: “Con thích uống nước ngọt thôi”. Bác sĩ đã khuyên bé không nên uống nước có ga nhiều, phải uống nước lọc nhiều hơn, không được nhịn tiểu... thì mới hết đau chim.

BS Mai cho biết: Trẻ ít uống nước, lại lười đi tiểu nên đọng cặn ở đầu chim và gây viêm nhiễm, dính bao quy đầu. Do viêm nhiễm nên mỗi khi đi tiểu trẻ bị đau, vậy là các bé lại càng ngại tiểu, lại nhịn... và viêm, dính nặng hơn.

Vệ sinh cho bé trai

Khi tắm cho bé trai, bố mẹ nên chú ý rửa đầu chim cho trẻ để không đọng cặn nước tiểu. Ảnh minh họa

Tất nhiên có nhiều nguyên nhân gây viêm nhiễm, dính bao quy đầu, nhưng việc ít uống nước lọc và hay nhịn tiểu là một trong những lý do. Ngoài ra, trẻ nhỏ dùng bỉm quá nhiều lại ít được thay rửa vệ sinh cũng dễ khiến bị viêm nhiễm và dính bao quy đầu.

“Ngày xưa, quần của trẻ trai hay được rạch một đoạn để thò “con chim nhỏ” ra ngoài, trông hơi buồn cười nhưng thực ra như vậy trẻ lại ít bị đọng nước tiểu và viêm nhiễm” - BS Mai cho biết.

Theo BS Mai, đừng nghĩ chăm bé gái mới cần sát sao khâu vệ sinh. Bé trai nếu ngay từ khi còn nhỏ mà không được vệ sinh tốt, bố mẹ không rửa đầu chim hàng ngày cho bé thì bé cũng dễ bị viêm nhiễm dương vật, dính bao quy đầu. Việc rửa chim cho trẻ phải thực hiện đều đặn hàng ngày cho đến khi trẻ lớn, có thể tự rửa được.

Em bé nói trên đã được bác sĩ kê thuốc bôi, hẹn ngày tái khám. Có thể bé sẽ phải nong tách bao quy đầu để hết dính, nhưng việc nong tách sẽ rất nhẹ nhàng, không chảy máu, là phương pháp không xâm lấn.

“Nong tách bao quy đầu ở các cơ sở y tế có dụng cụ được hấp sấy tiệt trùng, không dùng chung dụng cụ... thì các cháu không bị lây các bệnh truyền nhiễm. Ví như  HPV là một siêu vi trùng có khả năng lây lan rất nhanh, nếu dùng chung dụng cụ y tế là có khả năng lây rất cao nếu người trước đó có nhiễm virus này” - BS Mai cho biết.

Theo BS Mai, trẻ trai phải giữ vệ sinh từ bé, không lạm dụng việc dùng bỉm; nếu dùng thì chỉ nên dùng vào ban đêm, ban ngày nên để hở chim trẻ. Mỗi lần tắm cho bé, nên ấn nhẹ đầu chim. Cứ mỗi lần một ít như vậy, bao quy đầu rộng ra, nước tiểu không lắng đọng ở đấy và trẻ sẽ hiếm khi bị dính bao quy đầu.

Với trẻ lớn, gia đình cần nhắc nhở các cháu việc uống nước đủ và không được nhịn tiểu để tránh gây viêm nhiễm bao quy đầu.

Bác sĩ chỉ cách rửa mũi tại nhà đúng cách cho bé. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN