Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:47
RSS

Bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân ra đi, nguyên nhân do hàng triệu mẹ Việt đang lạm dụng điều này

Thứ hai, 06/03/2017, 06:52 (GMT+7)

Tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, các thầy thuốc đã nhiều lần khoanh tay đứng nhìn bệnh nhân ra đi vì không còn kháng sinh nào chữa được.

Ngay cả những kháng sinh mới nhất có mặt ở Việt Nam cũng không giải quyết được. Đây là hậu quả của việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh như cơm bữa ở Việt Nam.

Phát biểu trên Tri thức trực tuyến, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM gắn bó với chuyên ngành truyền nhiễm Nhi nhiều năm đau xót khi chứng kiến bệnh nhi bị bệnh do vi khuẩn thông thường cũng không cứu được, lúc này bác sĩ thường cho rằng do “hên – xui”.

Bác sĩ Khanh cho biết đây là hồi chuông rất lớn cảnh báo cho toàn xã hội

Theo ghi nhận của ông, thoạt đầu là kháng thuốc thế hệ cũ, sau đó là kháng cả thuốc thế hệ mới.

Đơn cử, theo nhiều chuyên gia bệnh nhiễm, trước đây K.pneumoniae (vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi bệnh viện) chỉ kháng thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 v à 2, nay kháng cả Cephalosporin thế hệ 3.

Lạm dụng kháng sinh là điều cực kỳ nguy hiểm

Bác sĩ Khanh cho biết ông gặp nhiều người mắc bệnh hô hấp thông thường, khi vào bệnh viện cháu đã uống thuốc ở ngoài toàn kháng sinh mới nên dù ở bệnh viện cũng không còn thuốc kháng sinh nào để xài. Vào bệnh viện bác sĩ cũng tìm đủ cách để cứu bé.

Bác sĩ Khanh ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, có cháu bé điều trị ở bệnh viện huyện rồi đến bệnh viện tỉnh, khi đến bệnh viện thành phố cháu đã kháng tất cả thuốc kháng sinh.

Có cháu may mắn phối hợp thuốc thì qua khỏi nhưng cũng có những cháu không thể có cách nào chữa được. Điều bác sĩ trăn trở, tiếc nuối nhất là thực tế này càng ngày càng nhiều, càng kháng kháng sinh tốn tiền thêm, nguy cơ bệnh nhẹ cũng không có thuốc chữa sẽ gia tăng hơn.

Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh không chỉ kháng thuốc cho người dùng mà hiện nay vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh sẽ kháng thuốc, những vi trùng này có khả năng lây cho vi trùng khác tính kháng kháng sinh.

Vì vậy, có người chưa xài kháng sinh lần nào tiếp xúc với vi khuẩn kháng thuốc cũng bị kháng theo dù bản thân họ không trực tiếp dùng kháng sinh.

Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay chỉ bác sĩ vào cuộc thôi chưa đủ mà ngay cả phụ huynh, nhân viên bán thuốc cũng phải góp tay may ra mới thay đổi được – bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khanh, để xảy ra tình trạng kháng kháng sinh như hiện nay đó chính là thói quen của các bậc phụ huynh.

Mọi người đều nghĩ bệnh nào cũng cho kháng sinh là khỏi nên các bậc phụ huynh thấy con ốm là phải có kháng sinh mà không biết rằng ở trẻ nhỏ các bệnh sốt, viêm hô hấp , chảy nước mũi chủ yếu là do vi rút.

Nếu do vi rút thì bệnh thường có cơ chế tự khỏi nếu dùng kháng sinh không thể điều trị được mà vô tình làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh.

Đến khi mắc bệnh do vi khuẩn thông thường cũng không điều trị kháng sinh được vì nó đã nhờn với kháng sinh.

Ngay cả với các bác sĩ cũng không phải ai cũng biết bệnh do vi rút hay do vi khuẩn nên cứ thấy sốt, viêm hô hấp nghĩ rằng do vi khuẩn về kê thuốc kháng sinh. Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm của bác sĩ.

Quan điểm sai lầm thứ 2 mà ai cũng nghĩ đó là kháng sinh càng mới là tốt, đắt tiền là tốt. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh kháng sinh không có được định nghĩa rõ ràng là mạnh hay yếu mà sử dụng phải đúng.

Chính vì thế, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua kháng sinh nào đắt nhất, mới nhất mà quên đi rằng trên thế giới họ xài kháng sinh kinh điển chữa được bệnh chứ không phải kháng sinh thế hệ mới.

Chính vì thế, việc người dân cố gắng tìm kháng sinh mới chỉ là cách làm nguy hiểm gây nên tình trạng kháng thuốc hiện nay.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân kháng kháng sinh thứ 3 đó là người dân tự mua thuốc mà không biết trong đó có kháng sinh. Điều này cần thay đổi ở người bán thuốc.

Cũng về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay cha mẹ rất hay tự ý ra hiệu thuốc, tự kê đơn mua thuốc kháng sinh về cho con uống.

Các trường hợp này đều có "kịch bản" na ná nhau, đó là thấy con sốt, ho, sổ mũi, bố mẹ thay vì đưa con đến viện thì tự ý mua kháng sinh về cho con uống. Những lần ốm trước, họ đều tự điều trị cho con bằng cách đó, nhưng lần này uống thuốc mãi không đỡ.

Thậm chí, không ít mẹ khi con có biểu hiện ốm sốt là lập tức lên mạng hỏi “bác sĩ google” hoặc các diễn đàn mạng để hỏi xem con bị như thế này thì nên dùng thuốc gì. Và ngay lập tức sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm mẹ tự cho mình được làm bác sĩ để tư vấn, thậm chí chụp hẳn đơn thuốc của con mình và mách mẹ có con ốm kia mua về sử dụng.

Các mẹ cứ vô tư sử dụng cho con mà không hề biết rằng kháng sinh là dạng thuốc đặc biệt bởi vì kháng sinh được bào chế và phân ra làm nhiều loại, nhiều nhóm. Mỗi kháng sinh chế ra tiêu diệt một số vi khuẩn nhất định chứ không phải một loại kháng sinh mà tiêu diệt được hết vi khuẩn.

Các con là một cơ thể người, và mẹ đừng coi con là cái máy để tùy tiện “thử” hết loại thuốc này đến loai thuốc khác mà không có sự tư vấn điều trị của bác sĩ.

Và điều đáng nói là trên cơ địa bệnh nhân trẻ em, trẻ sơ sinh phải sử dụng khác sinh khác, phụ nữ sử dụng khác, người già sử dụng khác. Mỗi người mỗi cơ địa khác nhau và không ai hoàn toàn giống ai cả.

Thực tế, đây là một việc làm cực kỳ nguy hiểm. Nếu tiếp tục những hành động này, các  mẹ đang tự biến con mình thành nạn nhân của tình trạng kháng kháng sinh trong tương lai.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai . Ảnh: Tri thức trực tuyến

Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức báo động.

WHO đưa ra cảnh báo đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 10 triệu người trên toàn cầu. Đáng báo động hơn, trong số các quốc gia có tình trạng kháng thuốc kháng sinh nghiêm trọng thì Việt Nam là một trong số những nước đứng đầu. 

Trọng Tuấn (T/H)
Theo Đời sống Plus