Thứ tư, 24/04/2024 | 21:52
RSS

Bà chủ bún Nguyễn Bính là ai mà 'dám' tuyên bố 'không thèm cầm tiền của các Shark'?

Thứ sáu, 27/07/2018, 15:06 (GMT+7)

Màn gọi vốn 8 triệu USD và tuyên bố "không thèm cầm tiền của các Shark" của bà Nguyễn Bính trong tập 4 Shark Tank Việt Nam đang khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người tò mò bà chủ bún Nguyễn Bính là ai mà "bạo ngôn" đến vậy?

Bà chủ bún Nguyễn Bính, bún Nguyễn Bính
Bà chủ bún Nguyễn Bính tự tin định giá công ty nghìn tỷ vì có… “giá trị vô hình”

Màn gọi vốn 8 triệu USD và tuyên bố "không thèm cầm tiền của các Shark"

Mấy ngày nay, thông tin bà chủ bún Nguyễn Bính với màn gọi vốn 8 triệu USD "bá đạo" trong tập 4 Shark Tank Việt Nam cùng tuyên bố "Tôi không thèm cầm tiền của các Shark" đang khiến dư luận dậy sóng. 

Theo đó, trong tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 2, bà Nguyễn Thị Bính- bà chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính đã trình bày về tham vọng đưa món bún truyền thống vào sản xuất công nghiệp nhưng không dùng hóa chất với mục tiêu nắm giữ 50% thị phần tại TP. HCM. 

Tuy nhiên, điểm độc đáo nằm ở chỗ là bà Nguyễn Bính đã đưa ra mức định giá cao kỷ lục: 8 triệu USD cho 20% cổ phần công ty, nghĩa là công ty có giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó các số liệu đưa ra mập mờ, không có thông tin về doanh thu, lợi nhuận.

Thậm chí, khi được Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse hỏi nếu đầu tư số tiền này cho bún Nguyễn Bính thì doanh thu làm được ra bao nhiêu, bà Bính đã không trả lời trực diện mà xua tay: "Các Shark cứ cầm tiền của các Shark đi, tôi không hề thèm cầm tiền của các Shark. Tôi nói thẳng như thế. Tổng các cơ sở trên TPHCM từ 400 - 700 cơ sở cho tất cả ngành nghề này. Dân của TP là 10 triệu, hôm nay không ăn bún thì ăn phở, không ăn phở thì ăn bánh mướt, mỳ Quảng".

Bà chủ bún Nguyễn Bính, bún Nguyễn Bính
Bà chủ bún Nguyễn Bính khiến các Shark "đau đầu".

Ngay sau khi phát sóng, màn gọi vốn 8 triệu USD cùng tuyên bố "bá đạo" này của bà chủ bún Nguyễn Bính đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người hồ nghi đây thực chất là chiêu bài lợi dụng truyền thông để quảng cáo miễn phí cho thương hiệu của mình chứ không phải là gọi vốn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, bà Bính là người bộc trực, có quyết tâm cao. Khuyết điểm mà bà mắc phải cũng chính là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các hộ kinh doanh kiểu truyền thông hay mắc phải.

Gian nan hành trình thương hiệu Việt

Bà Nguyễn Thị Bính sinh năm 1970 ở Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm bún. Mặc dù là con gái nhưng bà Bính lại theo học ngành cơ khí và thiết kế chi tiết máy. Không những vậy, bà còn học thêm ngành điện và quản trị kinh doanh.

Nghề bún vất vả, cực khổ nên học xong, bà Bính thà bươn trải với đủ nghề khác nhau, từ cơ khí đến trang điểm, thậm chí là buôn thịt lợn vẫn nhất quyết không theo nghiệp gia truyền mặc dù ngày nào cha bà cũng khuyên bà nối nghiệp.

Mãi cho đến năm 1999, ở độ tuổi 29, sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, bà Bính mới quyết định chọn sợi bún làm cơ nghiệp suốt đời.

Bà chủ bún Nguyễn Bính, bún Nguyễn Bính
Bà Bính cho biết Nguyễn Bính có bí quyết riêng trong sản xuất bún, nên không cần bảo quản, chỉ cần để nhiệt độ thường thì bún làm từ hôm trước rồi nay mới mời các Shark dùng thử cũng không thiu.

Thời gian đầu, do không biết phải xin giấy phép kinh doanh thế nào, cũng không biết phải trang bị hệ thống xả thải làm sao nên mới kinh doanh được vài tháng, bà Bính bị kiện cáo rồi bị tịch thu hết đồ nghề.

Bắt tay làm lại từ đầu, bà Bính quyết định tự làm rồi trực tiếp ngồi ở chợ để bán chứ không đem đi bỏ mối nữa. Thế nhưng, hành trình đưa cọng bún sạch không hóa chất ra thị trường ở những ngày đầu cũng không hề đơn giản.

Có hàng trăm sạp bún cùng bán ở chợ, cạnh tranh hết sức khốc liệt. Ban đầu không ai mua bún của bà do sợi bún xỉn màu, không trắng đẹp như bún tẩm hóa chất. Bà Bính phải vừa bán, vừa tặng người ta đem về ăn thử.

Dần dà, khi nhận ra chất lượng bún Nguyễn Bính, khách hàng đổ về nườm nượp. Từ chỗ bán được vài chục kg, lượng hàng bán ra đã tăng lên chục lần. Sau chưa đầy một năm khởi nghiệp, có ngày bà bán được cả tấn bún.

Bà chủ bún Nguyễn Bính, bún Nguyễn Bính
Từ một tiểu thương, bà chủ bún Nguyễn Bính đã từng bước đưa thương hiệu này phát triển.

Thế nhưng, cũng từ đây, bà Bính gặp không ít rắc rối từ những tiểu thương xung quanh. Họ chửi mắng, thậm chí bôi chất bẩn lên sạp bán hàng. Trong 10 ngày liên tiếp, bà Bính phải chịu trận và tìm cách xử lý. Thậm chí, hàng ngày có hàng chục cuộc điện thoại hăm doạ đốt nhà, bắt con nhỏ của bà. Những trắc trở này xuất phát từ sản phẩm bún sạch của bà Bính.

Mặc dù vậy, sự cạnh tranh không lành mạnh đó không làm cho bà nản lòng mà càng khiến bà phải quyết tâm làm cho được những sợi bún sạch để cung cấp cho thị trường. Bà thuê thêm nhân công mở rộng sản xuất và lui về điều hành.

Chính trong thời gian này, bà Bính sắp xếp lại các thiết bị sản xuất. Bà là người đầu tiên đưa công nghệ lò hơi vào sản xuất bún bằng thiết kế riêng của mình. Từ lò hơi (để nấu bún), bà tiếp tục cải tiến lên lò điện, giúp chi phí nhiên liệu giảm được một nửa. Bà cũng tạo ra dây chuyền sản xuất bún tự động độc quyền, đưa công suất từ 200 kg lên 700 kg một giờ.


Xem thêmKỷ Lục Gọi Vốn 8 Triệu Đô? Shark Tank Việt Nam

Hiện thương hiệu Bún Nguyễn Bính hiện không chỉ phủ khắp TP.HCM, vào hầu hết các chợ truyền thống, các kênh bán lẻ hiện đại mà còn đi cả Bình Dương và Vũng Tàu. Để sợi bún đi xa hơn, bắt buộc phải đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tại những tỉnh thành khác do rất khó vận chuyển bún sạch đi xa. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thêm vốn đầu tư. Bà Bính cũng đã nghĩ tới việc kêu gọi vốn cổ phần từ nhà đầu tư bên ngoài, nhưng không dễ dàng gì.

3 năm trước, bún Nguyễn Bính được một doanh nghiệp Thái Lan định giá 100 tỷ đồng và ngỏ ý mua lại 60% cổ phần, nhưng bà Bính không bán.

“Tôi muốn hoặc là bán hết 100%, hai là chỉ bán 30%. Doanh nghiệp kia họ muốn nằm quyền kiểm soát, nhưng lại không biết làm bún thế nào nên vẫn muốn dựa vào tôi. Tôi mà làm thì chắc chắn sẽ phải nắm quyền kiểm soát”, bà Bính quả quyết trên Báo Đầu tư và cho hay, nếu có doanh nghiệp trong nước ngỏ ý mua 49% cổ phần trở xuống thì bà sẽ bán để có thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Như Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN