Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:35
RSS

80.555 ca mắc sốt xuất huyết, 24 bệnh nhân tử vong, Bộ Y tế họp khẩn

Thứ sáu, 11/08/2017, 10:34 (GMT+7)

Chiều ngày 10/8, Bộ Y tế đã phải họp khẩn về vấn đề tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết khi số người mắc bệnh lên tới hơn 80.000, trong đó 24 ca tử vong.

Từ đầu năm 2017 đến nay, số mắc sốt xuất huyết là khoảng 80.555 ca, cao gần gấp 3 cả năm 2014 và gần bằng cả năm 2016. Các bệnh viện đều đã quá tải bởi số lượng bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết đến khám và điều trị quá nhiều.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 100.000 ca mắc sốt xuất huyết. Năm nay, mới 7 tháng, số mắc đã gần chạm đến con số trên, 24 người đã tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó thời tiết là một trong những yếu tố cơ bản: miền Bắc ít ngày rét, miền Nam thì mùa mưa đến sớm.

Sốt xuất huyết

Số ca mắc bệnh và tử vong do sốt xuất huyết những năm gần đây. Nguồn: Tuổi trẻ.

Tại các gia đình, dụng cụ chứa nước có rất nhiều. Nếu như trước kia số dụng cụ chứa nước chỉ là 5 hay 10, thì nay, có nhà có đến 30 dụng cụ chứa nước. Ở các công trình xây dựng gồ ghề, các bể chứa nước, lán trại... đều là nơi để muỗi vằn đẻ trứng và phát sinh bọ gậy, loăng quăng.

Ông Trần Đắc Phu cho biết: Dịch sốt xuất huyết đã được dự báo từ đầu năm, thông tin tuyên truyền vẫn rộng rãi nhưng hành vi của người dân chưa thay đổi, nhiều người dân còn chưa tự giác trong việc vệ sinh môi trường quanh nhà mình để phòng bệnh; nhiều người vẫn chủ quan với bệnh.

Với tình hình như hiện nay, cần phải quyết liệt hơn, nơi nào cam kết mà không thực hiện thì phải xử lý. Chính quyền các cấp cần vào cuộc cùng ngành y tế.

Sot xuat huyet

Phun thuốc chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Cũng trong chiều 10/8, Bộ Y tế đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về vấn đề dịch sốt xuất huyết. Hà Nội đã rà soát và có thể cung cấp thêm 700 giường điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết cần tránh điều trị tại nhà. Cần tránh hai loại thuốc hạ sốt là Aspirin và Ibuprofen vì có khả năng làm tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn. Mọi người không tự ý dùng kháng sinh điều trị sốt xuất huyết vì kháng sinh không có hiệu quả với bệnh này. Những người đã từng mắc sốt xuất huyết cũng không được chủ quan mà cho rằng mình không thể mắc bệnh lần nữa. Thực tế, người mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc tiếp với tuýp khác, không những thế, lần mắc sau còn nặng hơn.

Bài thuốc trị sốt xuất huyết cho trẻ. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN